Không dùng điện hay nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, những chiếc máy bơm bằng sức nước ở Văn Chấn được bà con dân bản hết sức yêu quý. Đây là một trong ba mô hình giảm nhẹ BĐKH trong lĩnh vực năng lượng được kỹ sư Phạm Văn Rỡ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Yên Bái trình bày tại Hội thảo "Chia sẻ các mô hình giảm nhẹ BĐKH dựa vào cộng đồng" được tổ chức ở Hà Nội vừa qua.
Máy bơm nước có hình dáng như guồng nước truyền thống của người dân vùng cao sử dụng để đưa nước lên ruộng, nhưng trên guồng máy bơm có gắn thêm các cuộn ống nước xếp hình xoắn ốc. Đặt xuống suối, guồng tự quay theo sức đẩy của nước, mỗi vòng sẽ lấy một lượng nước và không khí vào ống cuộn. Cứ theo các vòng quay của guồng, lượng nước và không khí liên tục đi vào ống sẽ dồn ép tạo ra áp suất lớn nhất ở vòng quay cuối cùng, đẩy nước phụt qua ống xả lên cao. So với guồng nước thông thường, "máy bơm kỳ lạ" giúp đưa nước lên cao hơn.
Người dân địa phương vận hành máy bơm
Ảnh: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Yên Bái Mô hình máy bơm nước bằng sức nước này là sáng chế của Trung tâm Cơ điện Nông nghiệp và Ngành nghề Nông thôn (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Yên Bái) hiện đang được triển khai tại Yên Bái. Máy không sử dụng nhiên liệu, nhưng có thể đưa nước lên cao 9m, lưu lượng bơm 202-239 m3/ngày đêm(khi tốc độ dòng suối 1,2-1,3m/giây, tốc độ quay của bơm là 4-4,8 vòng/phút). Ởcác tỉnh miền núi, sông suối mùa khô vẫn có lưu lượng lớn và tốc độ dòng chảy mạnh (trên 1m/giây), nên máy bơm xoắn ốc có thể tận dụng sức nước này để vận hành.
Suối Nhì chảy qua bản Đồng Ban, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nhưng đến mùa khô, cả cánh đồng 5 hecta trồng ngô, đậu và khoai tây của bản lại thiếu nước khổ sở vì chênh lệch độ cao của suối và cánh đồng đến 5-7m."Muốn rau màu không phải "nhịn nước", nhiều nhà phải "nhịn ăn"để có tiền mua máy bơm và xăng dầu chạy máy. Giá xăng dầu tăng cao, bà con lại càng phải thắt lưng buộc bụng..." ông Hoàng Văn Cù, trưởng bản Đồng Ban nhớ lại. Nhưng giờ đây, cánh đồng của bản phủ màu xanh ngút ngàn. Sự thay đổi này là nhờ "chiếc máy bơm kỳ lạ, hoạt động suốt ngày đêm mà không cần ...ăn", ông Cù cho Biết.
Kỹ sư Rỡ cho biết, máy có guồng làm bằng thép, được sơn chống gỉ, và được đặt trên phao nổi hoặc bệ cố định, dễ dàng điều chỉnh, tháo dỡ, di chuyển vào mùa mưa lũ. Không dùng nhiên liệu nên máy hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Công nghệ máy bơm xoắn ốc này hiện đãđược chuyển giao cho tỉnh Yên Bái để sản xuất đại trà. Giá máy bơm xoắn ốc hiện vào khoảng 6-7 triệu đồng, và một cánh đồng chủ cấn một máy bơm là đủ. Kỹ sư Rỡ hy vọng chiếc máy bơm tiện lợi này nếu nhân rộng ra các địa bàn khác sẽ giảm nhẹ gánh nặng trong sản xuất nông nghiệp cho bà con và bảo vệ môi trường.